Trần thạch cao được nhiều người ưa chuộng nhờ các ưu điểm nổi bật như: tính thẩm mỹ cao (giống trần đúc), bền, cách nhiệt tốt,… Bên cạnh đó, đây được xem là giải pháp tối ưu, đáng cân nhắc với những hộ gia đình có nhu cầu lắp đặt đèn hoặc điều hòa âm trần.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn 5 lưu ý quan trọng khi lắp đặt trần nhà thạch cao để giúp bạn đảm bảo tính an toàn và nâng tầm giá trị cho không gian sống.
Kiểm tra mức độ rò rỉ/thấm nước của trần nhà
Trước khi thi công, bạn cần đảm bảo trần nhà không bị thấm nước vì nước sẽ làm hỏng và gây ố vàng tấm thạch cao, giảm tuổi thọ công trình.
Biểu hiện của trần bị thấm nước:
- Xuất hiện các vết ố vàng loang lổ.
- Có dấu hiệu nứt, tróc sơn trên trần bê tông.
- Xuất hiện các vết chân chim rò rỉ nước.
Cách xử lý:
- Sử dụng vật liệu chống thấm như bột trét, keo chống thấm, xi măng chống thấm để xử lý triệt để vết rò rỉ.
- Thay thế trần nhà bị hư hỏng.
- Kiểm tra hệ thống thoát nước trên mái nhà để ngăn nước thấm xuống trần.
Hiểu rõ thiết kế hình dáng trần
Trần thạch cao có đa dạng kiểu dáng khác nhau, mỗi kiểu sẽ mang đặc điểm riêng phù hợp với từng phong cách nội thất cụ thể. Dưới đây là những kiểu trần thạch cao phổ biến hiện nay:
- Trần thạch cao phẳng là kiểu thiết kế đơn giản, không sử dụng các hoa văn cầu kỳ giúp tối ưu chi phí thi công và tạo cảm giác rộng thoáng cho không gian. Đây là lựa chọn lý tưởng cho các công trình nhà cấp 4, nhà phố, nhà gác lửng, căn hộ chung cư,…
- Trần thạch cao giật cấp cùng thuộc loại trần chìm với trần thạch cao phẳng nhưng có kết cấu phức tạp với các hình khối giật xuống từng cấp khác nhau. Kiểu trần này phù hợp với nhiều không gian khác nhau như biệt thự, khách sạn, nhà hát,…
- Trần thạch cao vòm là kiểu thiết kế mang phong cách cổ điển hoặc tân cổ điển, thường được sử dụng cho các không gian biệt thự nguy nga, rộng lớn.
Lưu ý: Khi lựa chọn kiểu dáng trần, bạn nên cân nhắc diện tích và chiều cao phòng để tránh làm không gian bị ngột ngạt, rối mắt.
Chọn vật liệu chất lượng tốt
Vật liệu thạch cao có ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền và chất lượng tổng thể của công trình. Khi lựa chọn, bạn nên ưu tiên sử dụng tấm thạch cao và bộ khung xương từ các thương hiệu uy tín. Mục đích chính là để đảm bảo về độ bền, khả năng cách âm, cách nhiệt và hạn chế sự co lại gây ra các vết nứt làm mất thẩm mỹ cho không gian.
Xác định đúng khoảng cách giữa trần nhà và trần thạch cao
Khi thực hiện lắp đặt trần thạch cao, bạn cần chú ý đến khoảng cách giữa trần giả so với trần thật. Mục đích chính là để thực hiện bố trí hợp lý các linh kiện nối của các thiết bị như: đèn âm trần, điều hòa âm trần nối ống gió,… và đảm bảo các hoạt động bảo trì/bảo dưỡng thuận tiện.
Ví dụ: Khi bạn có nhu cầu lắp đặt điều hòa nối ống gió, khoảng cách tối thiểu giữa trần thật và trần giả cần đạt là 30cm. Vì cấu tạo dàn lạnh âm trần nối ống gió phức tạp với dàn lạnh và hệ thống ống gió lắp đặt âm trần nên đây là khoảng cách phù hợp để lắp đặt máy. Cùng với khoảng cách này, bạn cũng có thể dễ dàng lắp đặt hệ thống đèn led âm trần cho công trình của mình.
Chú ý khoảng cách lắp thanh xương
Vai trò chính của lắp ráp khung xương thép là để tạo ra cấu trúc chịu lực cho trần thạch cao. Do đó, việc thi công cần được thực hiện chính xác để đảm bảo độ an toàn cho người dùng và độ bền của công trình.
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi lắp đặt khung xương:
- Khoảng cách giữa thanh xương chính đầu tiên cách tường là 800mm, tiếp đó các thanh xương chính tiếp theo lần lượt cách nhau 1000mm.
- Khoảng cách giữa thanh xương phụ cách xương chính đầu tiên cần giữ ở mức tối đa 400mm.
- Trong cùng một hệ khung, các vị trí nối móc treo cần được bố trí so le với nhau giữa các hàng.
- Trên cùng chiều dài 400mm của thanh xương, bạn không được nối quá 2 vị trí nhằm tránh gây hiện tượng dồn lực không đều của bộ khung xương.
- Sai số tối đa giữa các thanh xương phụ không vượt quá ± 20mm.
Thêm nữa, nếu bạn có ý định lắp đặt điều hòa âm trần đặc biệt là dòng âm trần nối ống gió, bạn cần tham khảo trước kích thước điều hòa âm trần nối ống gió để xác định vị trí dàn lạnh và cách đi đường ống nối phù hợp.
Thiết kế trần thạch cao sẽ có tác động trực tiếp đến không gian nội thất của công trình. Chính vì thế, bạn nên chú ý đến cấu trúc và độ cao thực tế của trần để lựa chọn phương án thiết kế, cách lắp đặt phù hợp.