Té ngã là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các chấn thương cánh tay và cổ tay, đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi và người thường tham gia các hoạt động thể thao. Do đó, việc hiểu rõ các loại chấn thương ở tay sẽ giúp bạn phát hiện kịp thời và có các bước xử lý đúng cách để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Gãy xương thuyền
Xương thuyền là 1 trong 8 xương ở cổ tay đóng vai trò liên kết giữa 2 hàng xương cổ tay. Vì thế, xương thuyền dễ bị tổn thương nếu người bệnh chống tay xuống đất bất chợt khi té ngã, chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông.
Triệu chứng và các mức độ chấn thương gãy xương thuyền
Khi bị gãy xương thuyền, người bệnh sẽ cảm giác đau, sưng ở cổ tay nên thường nghĩ bản thân chỉ bị bong gân. Vì thế, quá trình chẩn đoán gãy xương thuyền thường chậm hơn, từ vài tuần đến vài tháng.
Đối với tình trạng gãy xương thuyền, sẽ có 2 mức độ chấn thương gồm:
- Gãy xương không di lệch: Các mảnh xương vẫn xếp thẳng hàng với nhau.
- Gãy xương lệch vị: Các mảnh xương đã di chuyển ra khỏi vị trí bình thường, dẫn đến các khoảng trống hoặc chồng lên nhau.
Do đó, người bệnh cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và phân loại mức độ chấn thương. Từ đó có các quyết định điều trị phù hợp, cụ thể:
Cách điều trị gãy xương thuyền
Gãy xương không di lệch: Người bệnh có thể sẽ cần bó bột/ đeo nẹp cố định vị trí chấn thương trong khoảng thời gian từ 3 – 8 tuần. Sau đó, người bệnh cần thăm khám lại, chụp X – quang để đảm bảo xương đã được lành.
Gãy xương lệch vị: Người bệnh cần phải thực hiện phẫu thuật để nắn chỉnh lại xương thuyền của cổ tay.
Gãy xương cánh tay
Xương cánh tay (còn gọi là xương cánh tay trên) là một xương dài chạy từ vai và xương bả vai đến khuỷu tay. Gãy xương cánh tay thường xảy ra ở các vị trí sau:
- Gãy xương cánh tay gần vai: Vị trí chấn thương sẽ thường ở phần trên của xương cánh tay, gần khu vực khớp vai.
- Gãy thân xương cánh tay: Vị trí gãy thường xảy ra ở phần giữa của xương cánh tay, cách xa khớp vai và khuỷu tay.
Triệu chứng và các mức độ chấn thương gãy cánh tay
Khi bị gãy xương cánh tay, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng gồm:
- Đau đớn, cơn đau càng tăng khi cử động tay
- Xuất hiện tình trạng sưng tấy, bầm tím vị trí chấn thương
- Biến dạng rõ rệt ở khu vực gãy xương
- Nặng hơn, nếu chấn thương có tổn thương đến thần kinh quay, người bệnh sẽ cảm thấy tê, yếu hoặc mất cảm giác ở tay.
Cách điều trị gãy xương cánh tay
Do mức độ gãy xương cánh tay rất phức tạp nên người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám sớm nhất. Trong trường hợp chấn thương ảnh hưởng đến dây thần kinh, người bệnh sẽ được đưa trực tiếp vào phòng cấp cứu để đảm bảo không ảnh hưởng đến tính mạng.
Cách điều trị gãy xương cánh tay sẽ tùy thuộc vào loại gãy xương và mức độ chấn thương của người bệnh:
- Gãy xương mức độ nhẹ và xương không bị dịch chuyển: Người bệnh chỉ cần bó bột/ đeo nẹp từ 3 – 8 tuần để vết gãy được lành lại. Nếu xương cánh tay của bị gãy ở đầu gần vai, người bệnh sẽ cần thêm dây đeo để giữ cố định cánh tay.
- Gãy xương mức độ nặng: Người bệnh cần phải thực hiện phẫu thuật để nắn chỉnh, sắp xếp lại vị trí xương cánh tay. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được khuyến khích thực hiện phục hồi chức năng sau gãy xương cánh tay để tránh tình trạng co cứng và đẩy nhanh quá trình hồi phục chấn thương.
Chấn thương dây chằng cổ tay
Chấn thương dây chằng cổ tay có thể khiến xương bị tách ra, phá vỡ các điểm tiếp xúc bình thường. Ngoài ra, khi chấn thương nặng hơn, có thể dẫn đến mất khả năng chịu lực của cánh tay và gãy sụn khớp của người bệnh.
Triệu chứng và các mức độ chấn thương dây chằng cổ tay
- Cảm giác đau ở vùng bị chấn thương
- Vị trí chấn thương bị sưng tấy, bầm tím
- Đau dữ dội, có cảm giác lỏng lẻo ở khớp và cổ tay
- Nặng hơn, khi dây chằng bị rách hoàn toàn, người bệnh sẽ mất khả năng chuyển động cổ tay.
Cách điều trị chấn thương dây chằng cổ tay
Tùy theo mức độ tổn thương dây chằng cổ tay, người bệnh sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau:
Chấn thương mức độ nhẹ:
- Người bệnh nên sơ cứu vết thương theo phương pháp RICE, cụ thể: rest – nghỉ ngơi; ice – chườm đá để giảm sưng tấy; compression – bó, nén vị trí chấn thương; elevation – nâng cổ tay cao hơn tim để tránh dịch tụ.
- Tùy trường hợp, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định bó bột/ đeo nẹp để cố định cổ tay trong quá trình hồi phục.
- Sau khi tháo nẹp/ khung bó bột, người bệnh nên bắt đầu tập vật lý trị liệu hội chứng ống cổ tay theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện chức năng cổ tay và ngăn ngừa tái phát chấn thương.
Chấn thương mức độ nặng:
Người bệnh bị chấn thương nặng thường gặp một số vấn đề như: dây chằng bị đứt, rách hoàn toàn và tổn thương nặng các mô xung quanh. Đối với trường hợp này, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật để ghép gân, tái tạo dây chằng hoặc kết nối lại dây chằng với xương tùy theo chẩn đoán của bác sĩ.
Kết lại, các chấn thương ở cánh tay và cổ tay có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh nếu chấn thương có tổn thương đến thần kinh. Vì thế, người bệnh cần được đưa đến thăm khám các các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa uy tín để được điều trị kịp thời!
Nếu bạn muốn nhận các tư vấn chi tiết từ chuyên gia, vui lòng liên hệ với hotline 1900 3181 để được bác sĩ MYREHAB MATSUOKA giải đáp. MYREHAB MATSUOKA là đơn vị tiên phong phục hồi chức năng toàn diện tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam. Bạn có thể truy cập website https://myrehab-matsuoka.com/ để tìm hiểu thêm về MYREHAB MATSUOKA.